Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

TƯỚNG VÀ LÍNH  



Hai vị tướng cùng chung màu tóc muối tiêu, khẽ trầm ngâm:
- Như vậy là hỏa lực ở đây mạnh. Bây giờ ta thử đi tìm cái sự ổn định trong đầu óc đám lính trẻ xem sao.

Một dãy nhà lộng gió. Hai dãy giường kê sát hai bên với chăn gối thẳng thớm như trong nhà trường võ bị chính quy. Hai vị tướng ngồi giữa đám lính trẻ như cha ngồi với con, có lúc lại như ông ngồi với cháu. Hiền từ, đại lượng, khẽ khàng pha một chút dí dỏm đùa vui . Đồng chí thượng tướng hỏi một đại úy có nước da đen bóng, thân hình tròn như cá trắm, nghe nói là lính kỳ cựu số một ở đây.

- Từ lính bộ binh ra làm lính đảo thấy cái gì khó ?
- Dạ, vô tư! - Anh chàng cười, nhe hàm răng trắng bóng, trả lời rất thoải mái câu nói cửa miệng quen thuộc gần đây của lính trên khắp các quân binh chủng.
- Nếu nổ súng, đơn vị có sẵn sàng đánh không?
- Vô tư!
- Có ngán chiến thuật lá tre, biển người không?
- Dạ, vô tư ?
- Vợ con thế nào? Ổn cả chứ ?
- Vô tư!
Anh chàng thuận miệng trả lời xong thì mặt bỗng đuỗn ra, đôi mắt ranh mãnh bỗng dưng nhìn lảng đi phía khác.

Một thượng úy chừng hơn hai mươi tuổi ghé tai tôi:
- Vợ ông ấy gửi con lại bà nội rồi bỏ đi rồi ! Suốt ba năm trời, một đồng không dám tiêu, ky cóp dành dụm được chừng hơn hai triệu, định khi về làm thêm một chái nhà  cho vợ con thì lại nghe tin ấy. Ra bãi biển, ngồi trên lưng vích khóc một đêm rồi sáng hôm sau nhờ tàu mua đồ nhậu, trà lá, bánh kẹo kỳ hết số tiền đó vung vãi đãi toàn đảo. Cả đống ốc nón để ở góc tủ, "ông" ấy cũng đem ra đập nát hết.

Vầng trán vị tướng bỗng tối hẳn đi...  
Bước sang một doanh trại khác. Cũng toàn lính trẻ láu lỉnh.
- Vẫn nghe đài theo dõi tin tức đều đều đấy chứ, ông? - Vị tướng hỏi với cái cười rất dễ tin cậy.
- Đều đều thủ trưởng ạ. Suốt từ "nín thở đến tiếng thở".
- Báo chí có về đều không?
- Ít nhưng chỉ thích đọc "tiền phong".
- Vì sao?
- Vì có mục "Tìm bạn bốn phương".
- Thế ông tìm được chưa?
- Rồi ạ.
- Đã nhận được mấy lá thư của người đẹp ?
- Sáu lá.
- Còn ông gửi lại mấy?
- Hai trăm mười một lá.
-Trời ! Mỗi ngày một lá? Sao dữ dội vậy?
- Ở đảo, không viết thư, buồn lắm thủ trưởng ạ !
- Thôi được rồi! Được rồi! Ông đọc thử một lá sắp gửi đi cho bọn này nghe xem nào. Lá nào ướt át tình tứ nhất ấy.

Ngần ngại một lúc, anh lính trẻ rút một tờ giấy gấp tư  ra khói túi rồi ngượng nghịu đọc: "Bạn thân yêu! Trường Sa sắp vào mùa dông bão. Cây bàng vuông tôi  trồng trước cửa hầm bây giờ đã lên búp xanh nõn. Gián vẫn nhiều. Con gián màu nâu hay bò trong chạn bát ấy mà. Đêm khuya buồn quá, thằng Hóa ở 12 ly 7 hay đi lại  ngoài sân nghêu ngao hát: "Ngày xưa biển chưa có gián như bây giờ..." (Vị tướng vỗ tay cười vang). Bạn có được  mạnh khỏe an khang không? Nghi Lộc quê ta chắc nóng, bạn đừng để nắng đốt đo tóc như tôi nhé! Lúc này tôi đang đứng đây, chỉ cách... "

Anh lính đột ngột dừng lại, định dúi tờ thư vào túi. Vị tướng vội cầm lấy, cao giọng đọc tiếp: "... Tôi đang đứng đây chỉ cách đối phương có ba kilômét...". Ông buông người  xuống, cười chảy cả nước mắt:
- Bịa nhé !

 Tất cả cười ầm. Cậu lính ngượng quá, rút phắt lá thư chạy bắn ra ngoài. Ông quay sang vị tướng quân hàm xanh:
- Ổn đấy chứ! Vẫn biết nói dóc như vậy là vẫn đứng vững được. Thật đáng yêu. Ngay như mình hồi mới vào Vệ  quốc đoàn, đang ngồi ru rú sưởi lửa trong nhà sàn mà lại viết thư nói: "Ráng nhiều nhuộm đỏ chiến hào...".
- Nói chung Trường Sa năm nay còn để lãng phí nhiều tài sản của nhân dân - Ông nói với vị tướng hải quân - Coi chừng tâm lý ỷ lại, tâm lý kiêu binh. Phải nói rõ cho anh em hiểu: "Ở đây tuy gian khổ nhưng còn nhiều chỗ gian khổ hơn. Ở đây tuy có lác đác những nấm mồ tử sĩ thật nhưng nơi khác vẫn có những người đang từng ngày ngã xuống”.

Cơ chế cán bộ từ các quân binh chủng về tăng cường có thời hạn là cần, nhưng chưa ổn. Đảo là của hải quân. Chúa đảo phải do sĩ quan hải quân chủ trì. Dân tăng cường chỉ nên làm phó. Như thế mới thực sự coi đảo là nhà, là sự nghiệp của mình. Anh có nên nghiên cứu một nhân sự như kiểu quản trị trưởng ở đảo không? Ông này ăn lương chuyên nghiệp để bám sát đảo từ đầu đến cuối trong khi  sĩ quan chỉ huy lần lượt thay nhau. Ngoài ra, muốn người lính yên tâm ở đảo, ta nên tổ chức những tổ cắt tóc, tổ  chụp ảnh, tổ tem thư. Một năm gửi 200 lá thư, phụ cấp lính lấy đâu ra. Anh thử nói với hậu cần chở thóc ra thay gạo xem. Thóc dễ bảo quản, trấu xay ra dùng trồng cây rất tốt. Hơn nữa, ngày ngày bộ đội giã gạo, say trấu nó cũng vui, đỡ nhớ nhà. À, mà xem chừng ở đây trồng được hoa giấy. Anh trao đổi với ông lữ đoàn trồng thử coi. Màu xanh rất quan trọng với thần kinh bộ đội đảo..."

Chuẩn đô đốc Xuân im lặng. Người ta biết ông đang nghĩ đến một câu nói bâng quơ cua lính: "Trường Sa có truyền thống ngược là được đón người của Bộ ra nhiều hơn quân chủng, quân chủng ra nhiều hơn vùng và vùng lại ra nhiều hơn lữ".

Con tàu ở đảo Sơn Ca kia sao đến tận giờ vẫn không thấy tung tích gì ? Đã chìm xuống đáy đại dương hay đã dạt vào vùng đất xa lạ nào ?


LEN ĐAO - BAO NĂM RỒI CHONG MẮT?..

Mai Thanh Hải - Ở nhiều đảo chìm ngoài Trường Sa, khách được lên thăm các vọng gác trên nóc đảo, tinh ý sẽ thấy vài sợi dây ni lông chằng chịt trên chòi, treo đầy những vỏ hộp, ống bơ và chiến sĩ trực canh, khi nào cũng nắm tay lên sợi dây đó, nhất là khi trực canh ban đêm.

Lý do rất đơn giản nhưng cũng rất khốc liệt: Nếu trong trường hợp địch đánh chiếm đảo, tiêu diệt chiến sĩ trực canh bằng súng bắn tỉa, giảm thanh thì khi ngã xuống, ngón tay người lính vẫn kịp kéo dây, gây tiếng động báo cho đồng đội...

Trên vọng gác của đảo đá Len Đao, bao năm nay cũng có những sợi dây ni lông treo đầy vỏ hộp, ống bơ như thế.

1/ Đảo Len Đao cùng với 2 đảo đá Cô Lin và Gạc Ma (Gạc Ma hiện do Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nổi như 3 cạnh của hình tam giác, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo đường tiếp tế của Hải quân Việt Nam cho các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Căn cứ và tàu hộ vệ tên lửa trực của lính Trung Quốc trên đá Gạc Ma
Len Đao nằm ở vị trí 90 45’ 40” độ vĩ bắc; 1140 21’ 50” độ kinh đông, cách đảo Cô Lin 6,4 hải lý về phía Đông, cách đảo nổi Sinh Tồn 6,5 hải lý về phía Đông Nam.

Đảo được hình thành nhờ bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý.

Bề mặt tương đối bằng phẳng, khi thuỷ triều xuống thấp bãi san hô nổi lên khoảng 0,5 m, khi thuỷ triều lên cao bãi ngập khoảng 1,8m chất đất chủ yếu là cát và đá san hô.

Bãi cát san hô quanh đảo lấy tâm là nhà lâu bền, cứ xoay một vòng là hết một năm. Vào tháng 3, tháng 4 gió mùa Đông Bắc bãi cát dịch chuyển về phía Tây Nam của đảo.

Tàu Hộ vệ tên lửa của Trung Quốc tại khu vực biển Gạc Ma - Len Đao
Vào mùa gió Tây Nam bãi cát lại dịch chuyển về phía đông bắc của đảo. Hàng năm bãi cát càng nhiều nên thềm san hô dần mất đi do vậy việc đánh bắt hải sản của đảo gặp rất nhiều khó khăn.

2/ Nói đến Len Đao, không thể không nhắc đến Chiến dịch Bảo vệ chủ quyền năm 1988 (CQ-88) của Quân chủng Hải quân.

Những người lính biển vẫn nhớ: Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao, trước 6 giờ ngày 14/3/1988. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5 giờ sáng ngày 14/3/1988 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.

Ngay sau thời điểm này, ở phía Gạc Ma - Cô Lin, các tàu chiến đấu Trung Quốc đã bất ngờ nổ súng vào phân đội Công binh Hải quân đang xây dựng trên đảo Gạc Ma, bắn cháy - chìm 2 tàu vận tải của ta, làm 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân hy sinh, bắt sống 9 người và chiếm đảo Gạc Ma.
Leo Đao nhìn từ trên đường từ tàu vào

Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam khiến tàu bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3/1988.

Trước tình hình ngày càng phức tạp, yêu cầu giữ đảo ngày càng khẩn trương và bí mật, Đại tá Lê Văn Thư Chỉ huy trưởng Vùng 4 trực tiếp chỉ huy lực lượng xây dựng nhà cho đảo.

Ngày 9/7/1988, nhà đã làm xong và bàn giao cho cán bộ, chiến sỹ Len Đao bảo vệ đảo...

3/ Trước hôm tàu rời Quân cảng Cam Ranh, mình lếch thếch ra chợ Mỹ Ca mua cả chục kg ớt, chanh tươi, bưởi chua, đóng gói mang xuống tàu, khiến các chú đi lần đầu nhìn mình như thể nhìn mấy anh em cửu vạn ngoài chợ Long Biên.
Một phía của đảo

Lại thêm cả chục thùng rượu Vodka Men in dấu đỏ chót "Quà biếu tặng - Không được bán" của lão Kinh Kha từ Hưng Yên gửi tặng Đoàn Công tác và nếu có thể thì... nhấm nháy cho đảo chút tý ty (vì ngoài đó, lệnh cấm bia rượu ban hành từ lâu, được tuyệt đối chấp hành, chỉ được sử dụng chút chút dịp Lễ Tết gọi là, cho bộ đội đỡ nhớ nhà), được đóng gói kín mít trong túi bảo quản đen sì, nên đám tò mò "áo hoa quần màu", xoành xoạch chụp ảnh từ lúc mới đặt chân đến Cam Ranh, càng ngạc nhiên không hiểu.

Thế nhưng khi chuẩn bị vào Len Đao, thấy mình xách túi ớt, chanh, bưởi tươi xuống đảo, các anh chị "áo hoa quần màu" mới à lên, ra vẻ thông hiểu.

Mà có là đầu đất mới không hiểu là bộ đội đảo chìm thiếu cái gì, khi đóng quân ở cái nhà gọi là lâu bền cho oách, chứ thực ra là dạng lô cốt bê tông, nhô lên ở giữa biển xa kia.
Nấu nướng bằng bếp dầu
Ở đảo nổi đã cực, ở cái lô cốt xây trên bãi san hô ngập nước này, sự cùng cực còn tăng lên gấp vạn lần. Thứ duy nhất không phải chở từ đất liền ra là nắng, gió và không khí.

Thứ để nuôi sống con người, sau nữa là mấy con cá nhỏ lờ vờ mắc cạn ngay rìa đảo, được nhặt vội vàng khi nước rút chiều hôm.

Lạch tạch ngồi trên xuồng chuyển tải vào đảo, khối "áo hoa, quần màu" nghiêng hết mặt xuống biển, nhìn làn nước trong vắt, nhìn rõ đáy và hít hà chỉ trỏ san hô nhiều màu, ao ước có thể nạy được lên mang về Hà Nội ngắm chơi.

Ừ! Đẹp thế đấy, nhưng cái đẹp này không ăn được, không nuôi sống con người được và hôm nay nó vẫn còn đẹp, là phải đổi bằng máu - tính mạng của bao lính trẻ...

Mà đâu chỉ có máu đã đổ xuống, ngay lúc này những chủ đảo Len Đao cũng đang chắt máu mình vào cuộc sống thiếu thốn, gian truân mà không biết trước sẽ phải bỏ mạng, lúc nào.
Téc nước ngọt quý giá trên đảo

Cậu chiến sĩ người Ninh Thuận, ở Len Đao đã gần 1 năm nay khi thấy mình lọ mọ mở thùng nước dự trữ, biết ngay loại thổ công thổ địa nên cười tươi, hở răng trắng lóa: "Mấy hôm trước có mưa, tụi em bịt cả giao thông hào, lô cốt làm chỗ... trữ nước, nên các anh cứ yên tâm rửa tay!".

Nói thế chứ, ở ngoài này nước được ví như máu, họa có lơ đãng - vô tình đến cấp gần Trâu Quỳ, mới rửa mặt - kỳ chân bằng nước ngọt của lính, chỉ sau có chặng đường ngồi xuồng chuyển tải từ tàu vào đảo, như một số "áo hoa, quần màu".

Chui vào bếp với lính, họng cứ khô lại khi thấy đống vỏ đồ hộp cà, măng, rau, dưa, thịt, cá, hoa quả... được giấu kỹ phía sau chạn bát.

Thấy mình sờ những vỏ hộp nào được rửa sạch, mài nắp nhẵn nhụi, cậu chiến sĩ ngượng nghịu: "Để hôm nào mưa, mang ra hứng nước. Nếu không thì cũng để trồng rau hoặc làm dây báo động!" và thú thật: "Cất đi kẻo các anh chị nhìn thấy, lại thương lính gian khổ!".
Đồ ăn chính, lâu dài, liên tục của lính đảo Len Đao
Rõ khổ!. Khổ đến cùng cực mà cũng phải giấu, không cho khách biết.

Mình thì lạ gì: Lính đảo chỉ được tắm 2 ngày 1 lần và phải tắm bằng nước mặn, xong mới đứng vào chậu, tráng người bằng 1 ca nước ngọt để lấy nước tráng tưới rau.

Đặc biệt ngoài đảo chìm, lính ta không có khái niệm... xà phòng tắm, bởi nước có xà phòng tưới vào, rau chết sạch.

Ở Len Đao, đến đâu cũng thấy rau trồng tận dụng: Treo trên cửa; kề bên ụ pháo; vắt vẻo trên mặt nước; rậm rạp trên sân thượng...

Rau hình như sống bằng mồ hôi, nước mắt của lính nên thân gầy mà lá cứ xanh rời rợi, trong cẩn thận bịt bùng cót ép, gỗ thùng đạn, tránh gió biển chực luồn lách thổi bung.

Nhiều rau thế, nhưng cũng chả dám ăn. Mỗi ngày, nhà bếp chỉ dám vặt vài cọng, cẩn thận cho vào nước sôi nấu thành canh lõng bõng toàn nước là nước, chia nhau từng mẩu lá chín, ăn cho mát ruột, chống táo bón. Thức ăn còn lại, ngày qua ngày, quay đi quay lại là đồ hộp, đồ đông lạnh và... đồ khô. 

Len Đao nuôi rất nhiều chó, nhưng đặc biệt không bao giờ thịt chó.

Anh em bảo: "Chúng sống với mình, gian khổ cùng mình như thể đồng đội mình, người thân của mình, ăn thịt sao được!" và kể: Chó còn làm nhiệm vụ canh gác đảo ngày đêm. Nhất là chống biệt kích, người nhái ban đêm định tập kích đảo ban đêm...

Rời đảo, mình lấn bấn ở lại chờ chuyến cuối cùng. Mấy anh em đứng nói chuyện với nhau, bạn đồng hương sống trên đảo đã gần 1 năm mới thú thật: "Ông cho tôi xin điếu thuốc!".

"Ơ! Sao lúc nãy mời không hút?". Đồng hương mình ngượng nghịu: "Có các Thủ trưởng và khách nên không dám. Giờ nói chuyện lâu, biết chất đồng hương nên mới xin điếu cho anh em cùng hút. Đảo hết thuốc lá từ 2 tháng nay rồi, thèm lắm!".
Đồng hương "hoa cải đỏ" với mình, nhà ở Trần Thành Ngọ, học cùng PTTH

"Sư bố đồng hương. Đã là dân thành phố Hoa cải đỏ với nhau, lại còn khách khí?" - Nói bậy thế, nhưng nước mắt cứ rưng rưng: Bộ đội Trường Sa mình là thế đấy. Gian khổ, thiếu thốn chỉ căng mình chịu đựng, giấu hết đi dù đó là những chuyện rất bình thường, để người thân - đất liền yên tâm.

Quay sang cậu em Vinh Hải, PV Báo Lao động cũng đang thẫn thờ nghe chuyện. Vinh Hải nhanh nhảu: "Em còn 1 cây thuốc lá, xin được tặng các anh trên đảo!!".

Ừ! Cảm ơn Hải rất nhiều, ít nhất là tuy không biết hút thuốc nhưng cũng chuẩn bị được mấy cây thuốc Thăng Long đặc sệt chất Hà Nội, tặng cho anh em.

Xuồng chuyển tải về đến tàu, mình tót lên phòng lục lọi, còn đúng 1 thùng bưởi, hoa quả, chanh... dành cho cả chuyến đi. Gói lại hết và chuyển xuống cho đảo, cho đồng hương.

Thế là anh em mình có thuốc lá, có hoa quả tươi và chanh ớt tươi, thêm mấy chai rượu của lão Kinh Kha biếu tặng gửi lại cho đảo, để ấm lòng cả người đi kẻ ở.

Tưởng đã yên tâm, nhưng xuồng cập đảo rồi, mới đập đầu tiếc vì quên không sẻ nửa lọ muối vừng, cho đồng đội đang nhớ vị bùi vừng lạc đất liền. Trời ạ!. Cái đầu của mình sao ngu thế!..
Vẫy tay mãi, vẫn dùng dằng...

4/ Chào tạm biệt Len Đao, tay cứ bỏng lên bởi những bàn tay lính biển bóp chặt, níu mãi không rời, chợt nhớ đến 1 câu đáng nhớ nhất, bởi thật nhất trong bài viết giới thiệu dài ngoằng của Cục Chính trị Hải quân: "Trong hơn 20 năm qua, với lớp lớp cán bộ, chiến sỹ của đảo luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, mưu trí, dũng cảm, bình tĩnh, sáng suốt quan sát, xử lý tình hình, đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù".

Thương đồng đội, bao nhiêu năm chong mắt giữ đảo trước mưu đồ xâm chiếm của lũ tham lam, ở ngay sát nách.

Càng thương hơn khi những sự thiếu thốn, từ thứ nhỏ nhất cứ đeo đẳng những người lính biển mãi, dù với họ vẫn còn rất nhiều, rất nhiều tháng năm nữa, phải chong mắt giữ Len Đao...
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Các "cảnh khuyển" ra tận mép nước chào đón Thủ trưởng Đoàn công tác
Những người lính canh giữ Len Đao
Truyền hình vệ tinh phục vụ đời sống tinh thần bộ đội
Vườn ươm rau ven mép nước
Đồng hồ kỷ niệm của "Chúng tôi là Chiến sĩ"
Nơi hóng mát của bộ đội phải có điếu cày chứ (tuy rằng đã hết thuốc cả lá lẫn lào từ 2 tháng nay)
Treo điện thoại đợi sóng vì tín hiệu ở đây quá yếu
Tuần tra - canh gác
"Sĩ quan chỉ huy" điểm danh tụi đang đứng nghiêm trên... nắp bể
Bếp nấu của cả đảo
Vườn rau
Giả vờ hái rau để chụp hình thôi nhé!..
Lại 1 vườn rau nè!..
Bãi san hô có 1 khúc cây khô trôi dạt ở đâu đến
Vườn rau xanh và bể nước ngọt - Tài sản quý giá của toàn đảo...
Thức ăn - thực phẩm, đồ khô dự trữ của đảo
Chạn bếp dành để giữ đỗ xanh làm giá đỗ thôi nhé
Đồ hộp, đồ hộp và đồ hộp...
Sĩ quan giữ đảo Len Đao này có tên cực độc: Tưởng Nguyên Soái
Bọn "cảnh khuyển" này nhận ra mình là người quen nên ùa đến... giao lưu ngay
Mệt quá vì chạy đi chạy lại nửa ngày nắng, ngồi chụp hình lưu niệm cũng... nhăn nhó
Hẹn gặp lại Len Đao nhé!..

CHÚNG KHÔNG "LẠ" NGOÀI TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Ở trong đất liền, hễ có sự kiện gì liên quan đến biên giới chủ quyền trên bộ, trên biển, y như rằng mở báo, bật ti vi là gặp cái câu "tàu lạ", "nước lạ", "nước ngoài"... đến phát nhàm chán và nhám nhỉ.

Thế nhưng ở ngoài Trường Sa, bộ đội ta "nắm tay day trán" chỉ thẳng: Bọn này không lạ..

Không lạ bởi chúng thường xuyên lấp ló trên mặt biển, ngang trời và nhăm nhăm chơi trò khiêu khích, lăm le cắn trộm... khiến bộ đội ta theo dõi sát sao chúng từng giây từng phút.

Đến Sơn Ca, Gạc Ma, Sinh Tồn Đông... mình đều thấy chúng lởn vởn ngoài xa, qua vòng kính ống nhòm. Tới Sinh Tồn Đông, kéo ống tele máy ảnh cũng chụp rõ cái khối xám xịt, ngang phè của chúng nằm trên bãi Huy Gơ với đầy đủ nhà ở, ụ súng, sân đậu trực thăng, sân trực thăng...

Cũng ở Sinh Tồn Đông, đứng trên Đài quan sát cũng thấy lờ mờ tàu cá của chúng lởn vởn ngoài bãi Ba Đầu, âm mưu rình rập.

Bộ đội Sinh Tồn Đông đã từng phát hiện chúng cắm "vật lạ nhưng không hề lạ" trên bãi cạn Ba Đầu, định chơi trò đánh dấu và ngoác mồm nhận đấy là của mình.

Cái vật ghi làm bằng gỗ, đặt trên phao chìm ghi dòng chữ "CMDC 2" đấy - có thể là bia tập bắn, nhưng cũng có thể là vật cố tình để lại nhằm đánh dấu... và bộ đội ta đã nhổ bỏ - kéo về thu giữ trên Sinh Tồn Đông, như bằng chứng không thể chối cãi về mưu đồ chiếm đóng vẫn sôi sùng sục, trong những cái đầu Phương Bắc tham lam ấy.

Trên bãi đá Bàn Than, nằm giữa Sơn Ca của ta và Ba Bình (do Đài Loan chiến giữ), những kẻ bụng to mắt híp cũng đang lăm le tìm mọi cách chiếm giữ, ăn cướp khiến ống nhòm trực gác, cứ chong mắt canh bãi đá suốt ngày đêm.

Những ngày tháng 4 này, không khi nào thôi thấm thía câu: "Không để Tổ quốc bị bất ngờ", khi đến với những đảo tiền tiêu, ngoài tít tắp biên đảo Trường Sa.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Căn cứ của Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên đá Gach Ma (hình: Thiềm Thừ)
Căn cứ Trung Quốc xây trái phép trên bãi Huy Gơ (hình: Thiềm Thừ)
Căn cứ của Trung Quốc có sân đậu trực thăng, kiêm chơi bóng rổ
Trước Huy Gơ là bãi Holly
Bãi Huy Gơ, tháng 4/2012 (Hình: MTH)
Trung Quốc dựng phao tiêu gần Huy Gơ
Chúng đấy
1 tàu cá của Trung Quốc kéo theo các ghe con, lởn vởn ở bãi Bàn Than và MTH chụp lại được từ  Sinh Tồn Đông
Chúng đây
Kéo đến 4 chiếc thuyền nhỏ
1 tàu cá khác của chúng, đang neo đậu và chúng trên boong nghiêng ngó nhìn vào
Chúng ở gần bãi đá Ba Đầu
Thứ ghi "CMDC2" chúng cắm trộm ở Ba Đầu và ta phải ra thu về (hình: Thiềm Thừ)
Bãi đá Bàn Than gần đảo Sơn Ca, chúng cũng đang nhòm ngó