Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

TƯỚNG VÀ LÍNH  



Hai vị tướng cùng chung màu tóc muối tiêu, khẽ trầm ngâm:
- Như vậy là hỏa lực ở đây mạnh. Bây giờ ta thử đi tìm cái sự ổn định trong đầu óc đám lính trẻ xem sao.

Một dãy nhà lộng gió. Hai dãy giường kê sát hai bên với chăn gối thẳng thớm như trong nhà trường võ bị chính quy. Hai vị tướng ngồi giữa đám lính trẻ như cha ngồi với con, có lúc lại như ông ngồi với cháu. Hiền từ, đại lượng, khẽ khàng pha một chút dí dỏm đùa vui . Đồng chí thượng tướng hỏi một đại úy có nước da đen bóng, thân hình tròn như cá trắm, nghe nói là lính kỳ cựu số một ở đây.

- Từ lính bộ binh ra làm lính đảo thấy cái gì khó ?
- Dạ, vô tư! - Anh chàng cười, nhe hàm răng trắng bóng, trả lời rất thoải mái câu nói cửa miệng quen thuộc gần đây của lính trên khắp các quân binh chủng.
- Nếu nổ súng, đơn vị có sẵn sàng đánh không?
- Vô tư!
- Có ngán chiến thuật lá tre, biển người không?
- Dạ, vô tư ?
- Vợ con thế nào? Ổn cả chứ ?
- Vô tư!
Anh chàng thuận miệng trả lời xong thì mặt bỗng đuỗn ra, đôi mắt ranh mãnh bỗng dưng nhìn lảng đi phía khác.

Một thượng úy chừng hơn hai mươi tuổi ghé tai tôi:
- Vợ ông ấy gửi con lại bà nội rồi bỏ đi rồi ! Suốt ba năm trời, một đồng không dám tiêu, ky cóp dành dụm được chừng hơn hai triệu, định khi về làm thêm một chái nhà  cho vợ con thì lại nghe tin ấy. Ra bãi biển, ngồi trên lưng vích khóc một đêm rồi sáng hôm sau nhờ tàu mua đồ nhậu, trà lá, bánh kẹo kỳ hết số tiền đó vung vãi đãi toàn đảo. Cả đống ốc nón để ở góc tủ, "ông" ấy cũng đem ra đập nát hết.

Vầng trán vị tướng bỗng tối hẳn đi...  
Bước sang một doanh trại khác. Cũng toàn lính trẻ láu lỉnh.
- Vẫn nghe đài theo dõi tin tức đều đều đấy chứ, ông? - Vị tướng hỏi với cái cười rất dễ tin cậy.
- Đều đều thủ trưởng ạ. Suốt từ "nín thở đến tiếng thở".
- Báo chí có về đều không?
- Ít nhưng chỉ thích đọc "tiền phong".
- Vì sao?
- Vì có mục "Tìm bạn bốn phương".
- Thế ông tìm được chưa?
- Rồi ạ.
- Đã nhận được mấy lá thư của người đẹp ?
- Sáu lá.
- Còn ông gửi lại mấy?
- Hai trăm mười một lá.
-Trời ! Mỗi ngày một lá? Sao dữ dội vậy?
- Ở đảo, không viết thư, buồn lắm thủ trưởng ạ !
- Thôi được rồi! Được rồi! Ông đọc thử một lá sắp gửi đi cho bọn này nghe xem nào. Lá nào ướt át tình tứ nhất ấy.

Ngần ngại một lúc, anh lính trẻ rút một tờ giấy gấp tư  ra khói túi rồi ngượng nghịu đọc: "Bạn thân yêu! Trường Sa sắp vào mùa dông bão. Cây bàng vuông tôi  trồng trước cửa hầm bây giờ đã lên búp xanh nõn. Gián vẫn nhiều. Con gián màu nâu hay bò trong chạn bát ấy mà. Đêm khuya buồn quá, thằng Hóa ở 12 ly 7 hay đi lại  ngoài sân nghêu ngao hát: "Ngày xưa biển chưa có gián như bây giờ..." (Vị tướng vỗ tay cười vang). Bạn có được  mạnh khỏe an khang không? Nghi Lộc quê ta chắc nóng, bạn đừng để nắng đốt đo tóc như tôi nhé! Lúc này tôi đang đứng đây, chỉ cách... "

Anh lính đột ngột dừng lại, định dúi tờ thư vào túi. Vị tướng vội cầm lấy, cao giọng đọc tiếp: "... Tôi đang đứng đây chỉ cách đối phương có ba kilômét...". Ông buông người  xuống, cười chảy cả nước mắt:
- Bịa nhé !

 Tất cả cười ầm. Cậu lính ngượng quá, rút phắt lá thư chạy bắn ra ngoài. Ông quay sang vị tướng quân hàm xanh:
- Ổn đấy chứ! Vẫn biết nói dóc như vậy là vẫn đứng vững được. Thật đáng yêu. Ngay như mình hồi mới vào Vệ  quốc đoàn, đang ngồi ru rú sưởi lửa trong nhà sàn mà lại viết thư nói: "Ráng nhiều nhuộm đỏ chiến hào...".
- Nói chung Trường Sa năm nay còn để lãng phí nhiều tài sản của nhân dân - Ông nói với vị tướng hải quân - Coi chừng tâm lý ỷ lại, tâm lý kiêu binh. Phải nói rõ cho anh em hiểu: "Ở đây tuy gian khổ nhưng còn nhiều chỗ gian khổ hơn. Ở đây tuy có lác đác những nấm mồ tử sĩ thật nhưng nơi khác vẫn có những người đang từng ngày ngã xuống”.

Cơ chế cán bộ từ các quân binh chủng về tăng cường có thời hạn là cần, nhưng chưa ổn. Đảo là của hải quân. Chúa đảo phải do sĩ quan hải quân chủ trì. Dân tăng cường chỉ nên làm phó. Như thế mới thực sự coi đảo là nhà, là sự nghiệp của mình. Anh có nên nghiên cứu một nhân sự như kiểu quản trị trưởng ở đảo không? Ông này ăn lương chuyên nghiệp để bám sát đảo từ đầu đến cuối trong khi  sĩ quan chỉ huy lần lượt thay nhau. Ngoài ra, muốn người lính yên tâm ở đảo, ta nên tổ chức những tổ cắt tóc, tổ  chụp ảnh, tổ tem thư. Một năm gửi 200 lá thư, phụ cấp lính lấy đâu ra. Anh thử nói với hậu cần chở thóc ra thay gạo xem. Thóc dễ bảo quản, trấu xay ra dùng trồng cây rất tốt. Hơn nữa, ngày ngày bộ đội giã gạo, say trấu nó cũng vui, đỡ nhớ nhà. À, mà xem chừng ở đây trồng được hoa giấy. Anh trao đổi với ông lữ đoàn trồng thử coi. Màu xanh rất quan trọng với thần kinh bộ đội đảo..."

Chuẩn đô đốc Xuân im lặng. Người ta biết ông đang nghĩ đến một câu nói bâng quơ cua lính: "Trường Sa có truyền thống ngược là được đón người của Bộ ra nhiều hơn quân chủng, quân chủng ra nhiều hơn vùng và vùng lại ra nhiều hơn lữ".

Con tàu ở đảo Sơn Ca kia sao đến tận giờ vẫn không thấy tung tích gì ? Đã chìm xuống đáy đại dương hay đã dạt vào vùng đất xa lạ nào ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét